CÁCH THỨC CHẾ TÁC MỘT BỨC TRANH ĐÁ QUÝ

Để hoàn thành một bức tranh đá quý là cả một quá trình kì công qua nhiều công đoạn của đội ngũ những người sản xuất, bắt đầu từ việc thăm dò cho đến khâu bảo dưỡng. Bài viết sau đây, Ngọc Kim Long xin giới thiệu với các bạn những công đoạn chính của quá trình chế tác Tranh Đá Quý, sản phẩm được cho là kết tinh tất cả những tinh hoa của đất trời, tinh thần của thời gian cùng tài hoa và tâm huyết của con người. Điều thật sự đáng khâm phục, là ngoại trừ công đoạn thăm dò và khai thác, các công đoạn còn lại hoàn toàn đều được thực hiện thủ công.
THĂM DÒ VÀ KHAI THÁC
Các công ty lớn thường sử dụng những máy móc hiện đại để tham dò và khai thác đá quý. Còn những công ty nhỏ hơn thì chủ yếu dựa vào độ nhạy cảm của công nhân để có thể khai thác đá quý một cách hiệu quả nhất.
Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên đá quý phong phú nhất thế giới. Có nhiều người dân vùng đất đá quý cũng tham gia vào việc khai thác trên chính quê hương họ. Thông thường, loại đá trắng có rất nhiều trên núi, chỉ việc "đánh về", kiếm cũng khá dễ vì có nhiều người lên núi khai thác rồi đưa về bán. Nhưng loại đá màu thì rất khó kiếm. Cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải đi sâu vào trong những hang động, dùng đèn pin soi, rồi lượm nhặt. Tới thời điểm này, ngày càng khó kiếm hơn thì nhiều người đã đưa máy móc lên đào hầm hố sâu vào lòng núi, sau đó đưa đất đá lên đãi trong bồn gỗ. Nếu tìm được đá Sapphire, Ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, màu chuẩn, không rạn) thì bán cho "bưởng" có thể được vài trăm triệu, nhưng chủ yếu, họ lại chỉ gặp đá màu trong đó có cả Ruby, Sapphire cấp thấp, bị vỡ rạn, nhỏ hạt. Và lượng đá này được dùng để làm tranh. Nhiều khi, để tìm được loại đá màu phù hợp (nhất là đá màu đen, đá xanh,...) cũng phải lang thang trên núi cả tháng trời.
CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
Sau khi khai thác, những viên đá sẽ được cắt, đẽo, gọt ra từng phần. Phần đẹp nhất sẽ được chế tác làm trang sức hoặc gia công làm vật liệu chế tạo thiết bị công nghệ cao. Những phần còn lại sẽ được xử lí để làm nguyên liệu chế tác Tranh Đá Quý. Những phần này lại được xử lí theo nhiều cách thức khác nhau.
- Cắt lát từng lát mỏng, to nhỏ khác nhau, thường dùng để tạo nên các chi tiết nguyên khối, như cánh hoa, lá cây, mái nhà…
- Những viên đá to bằng ngón tay út thì được dùng làm các khối đá tự nhiên trong bức tranh.
- Phần còn lại cho vào cối sắt, được những người rắn tay dùng chày sắt giã liên tục.
- Sàng lọc và phân loại đá: Đá thô sau khi được giã xong, được vét ra trải lên bàn, người thợ lại ngồi quanh, dùng kẹp gạn nhặt, phân loại từng loại đá màu với kích cỡ riêng. Phần còn lại được tiếp tục giã nát cho đến khi mịn như cát.
CHẾ TÁC TRANH
- Cắt mica: Người nghệ nhân sẽ cắt một tấm mica trong suốt để làm khung, có độ dày từ 3-6mm, thông thường sẽ lớn hơn kích thước thật của bức tranh một chút.
- Lót nền : Để có được bức tranh chắc chắn và đẹp, người nghệ nhân phải rắc một lớp đá trắng khoảng 1mm (bột cẩm thạch) khắp mặt nền của tranh để lấp chỗ trống, tạo độ cứng chắc, bền và sáng cho tranh.
- Vẽ mẫu: Trước khi rắc tranh, dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ vẽ trên nền đá cẩm thạch bức tranh cần chế tác bằng phấn màu hoặc bằng chì.
- Rắc đá và nhỏ keo: Dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ rắc đá và bột đá để tạo hình khối. Tùy chi tiết mà chọn màu thích hợp. Tùy độ đậm nhạt, hình khối mà rắc lượng đá màu, đá hạt hay đá bột, đá hạt to hay nhỏ, rắc thưa hay mau. Nếu không có màu sẵn thì phải phối hai ba màu kết hợp lại với nhau để tạo thành màu mới.
- Sơ sót hay bị lỗi: Thông thường thì keo sẽ khô trong vòng khoảng 15 giây. Nếu như sơ sót hay bị lỗi khi rắc đá hoặc nhỏ keo, thì công sức của người nghệ nhân coi như đổ sông đổ bể. Đó là chưa kể thiệt hại về phần nguyên liệu.
XỬ LÍ SAU CHẾ TÁC:
Sau khi người nghệ nhân hoàn thành chế tác bức tranh, sẽ phải chờ khoảng 2-3h để cho keo dính chắc chắn. Sau đó, người thợ kĩ thuật sẽ cắt tấm mica lại cho bằng kích thước thật. Tiếp theo là công đoạn chùi rửa và phủ lên bề mặt một lớp dầu bảo dưỡng.
* Do những bức Tranh Đá Quý được chế tác hoàn toàn bằng thủ công, nên cả một triệu bức thì cũng không có bức nào giống bức nào. Ngay cả khi chính một người nghệ nhân chế tác cùng một loại tác phẩm, thì chúng cũng có sự khác biệt đôi chút.
Với những công đoạn phức tạp và tỉ mỉ như vậy, thông thường một nghệ nhân lành nghề phải mất khoảng 3 ngày để chế tác một bức tranh có kích thước 40x60cm. Nếu những tác phẩm phức tạp, có thể mất nhiều thời gian hơn.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ NGỌC KIM LONG
Địa chỉ: 52 Hai Bà Trưng, TP. Huế
Hotline: 0909 003 002
ĐT & Fax: (054) 3 97 07 97
Email: info@ngockimlong.com
Website: www.ngockimlong.com
HỆ THỐNG SHOWROOM
Hà Nội: L24 Landmark Tower, Q. Cầu Giấy
Thanh Hóa: 18 Nguyễn Thị Lợi, TX. Sầm Sơn
Hà Tĩnh: 19 Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh
Huế 1: 52 Hai Bà Trưng
Huế 2: 30 Lê Lợi (Hotel Saigon Morin)
Đà Nẵng: 57 Chương Dương, Q. Ngũ Hành Sơn
Khánh Hòa:2F Phan Chu Trinh, Nha Trang
Daklak: 196 Lý Thường Kiệt, Buôn Ma Thuột
TP. HCM 1: 157 Chu Văn An, Q. Bình Thạnh
TP. HCM 2: 259 Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.3